Mưa đá là gì? Mưa đá ở Việt Nam
Nội dung chính
Mưa đá là hiện tượng cực kỳ nguy hiểm đối với mọi người, mọi nhà. Ở Việt Nam, mưa đá thường xuất hiện ở vùng núi, vùng giáp núi hay giáp biển. Vậy mưa đá là gì, vì sao có mưa đá, hãy cùng Dự báo thời tiết tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mưa đá là gì
Mưa đá là gì - hình minh họa
Mưa đá là gì - mưa đá một hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước không giống nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây nên. Kích thước của mưa đá có thể từ 5mm đến hàng chục cm, thường gặp nhất là vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường xuất hiện cùng với mưa rào. Hiện tượng mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, thời gian lâu nhất cũng chỉ 20 - 30 phút.
Tại sao có hiện tượng mưa đá
Mưa đá là gì - Tại sao lại có mưa đá
Mưa đá thường hình thành trong khoảng thời gian chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4, 5 và 6) hoặc giữa mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9, 10 và 11).
Tại sao có hiện tượng mưa đá? Hiện tượng mưa đá được hình thành khi các dòng không khí lên xuống mãnh liệt (hay còn gọi là đối lưu).
Vào mùa nóng ẩm hay nắng gay gắt, hàm lượng hơi nước trong không khí rất lớn. Khí quyển ở tầng thấp khi nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng trên lạnh. Lúc này các dòng không khí lên xuống một cách mãnh liệt làm phát sinh và tạo ra những đám mây vũ tích có khả năng gây nên hiện tượng mưa đá.
Khi các đám mây gần mặt đất được các luồng không khí bốc lên cao thì phần trên của đám mây thường ở nhiệt độ nhỏ hơn -20 độ C, làm cho rất nhiều hơi nước trong mây biến thành những hạt băng nhỏ. Những tầng mây ở vị trí thấp hơn, do nhiều nguyên nhân khiến chúng kết thành băng liên tục, và biến thành các giọt nước dưới 0 độ C.
Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao sẽ đẩy một số lượng lớn các giọt nước lạnh lên tầng trên của đám mây. Sau đó, chúng kết hợp với các hạt băng ở tầng trên, đến khi trọng lượng tăng lên đến một mức độ nhất định chúng sẽ bị rơi xuống ngược lại.
Khi rơi xuống tầng mây thấp hơn, mặt ngoài của các hạt băng lại được bao bọc thêm một lớp màng nước mới, đồng thời lại bị các luồng đối lưu đang bốc lên cao tác động vào. Khi đó, các luồng khí không thể giữ được băng ở trên cao và làm chúng rơi xuống mặt đất, gây nên hiện tượng mưa đá.
>>Xem thêm: Tại sao bão hay vào miền Trung nước ta?
Mưa đá ở Việt Nam
Mưa đá là gì - Mưa đá ở Việt Nam
Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi, giáp núi (bán sơn địa) hay khu vực giáp biển, còn vùng đồng bằng thường ít xảy ra hơn. Vì vậy ở Việt Nam, hiện tượng mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền, cả trong mùa hè. Riêng ở khu vực vùng núi phía bắc Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm thường xuất hiện mưa đá, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5, mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là vì các đợt front lạnh cực mạnh tràn về nhanh.
Thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2016 trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã xảy ra 02 trận mưa đá kèm lốc kéo dài 10 phút đã gây thiệt hại cho hơn 2.000 ngôi nhà bị thủng mái, 5 nhà bị sập hoàn toàn, 300 ha lúa, 300 ha ngô đang thời kỳ phát triển bị hư hại nghiêm trọng; các xã bị thiệt hại nặng nhất là Hòa Phú, Trung Hòa, Phúc Thịnh, Tân Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa).
Vào tháng 8/2021, TP.HCM (Việt Nam) ghi nhận trận mưa đá với kích thước hạt dao động từ 1- 3cm. Đây được xem là một điều khá bất thường và trái quy luật từ trước đến nay vì thông thường mưa đá ở Việt Nam sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 hoặc tháng 10. Ngoài TP.HCM, tại cùng khoảng thời gian đó, Đồng Nai cũng ghi nhận trường hợp mưa đá xảy ra tương tự.
>>Xem ngay: Dự báo thời tiết TP Hồ Chí Minh
Có thể kể đến, trong cơn dông mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: gây ra đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người.
Mưa đá là một hiện tượng thời tiết tiêu cực, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa, vườn tược, đất đai của mọi người. Hy vọng, bài viết trên của Trang dự báo thời tiết đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về khái niệm mưa đá là gì, tại sao có mưa đá, hiện tượng mưa đá ở Việt Nam diễn ra những năm gần đây và sớm tìm ra các biện pháp khắc phục hiệu quả.